Trong một dịp có công việc tại Phước Thể – xã ven biển của huyện Tuy Phong, kề bên thị trấn Liên Hương – Lữ Phong đã tranh thủ đi sớm 1 ngày với ý định làm một vòng khám phá phong cảnh, cuộc sống của người dân vùng bờ biển của huyện Tuy Phong.
SÓNG XANH TRAVEL với thế mạnh hiện tại là chuyên tổ chức chuyên nghiệp tour du lịch đến Cù Lao Câu Bình Thuận (thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) và sẽ còn định hướng mở rộng đa dạng các tour du lịch trong và ngoài tỉnh. Cù Lao Câu Bình Thuận “Hòn đảo thiên đường mê hoặc lòng người.
Tags: Cù Lao Câu Bình Thuận, Tour Cù Lao Câu Bình Thuận, Du lịch Cù Lao Câu Bình Thuận, Khám phá Cù Lao Câu
Loanh quanh khám phá Phước Thể
Lòng vòng trong đêm giữa Liên Hương – Phước Thể
Xe khách từ Tp. HCM đi Tuy Phong thì có thể đi bằng nhiều hãng xe, Lữ Phong có thời gian lăn lộn với cung Tà Năng – Phan Dũng nên thường đi xe Minh Nghĩa. Nhà xe này có nhiều chuyến xuất phát đi – về giữa Tp. HCM và Liên Hương, nhưng chuyến muộn nhất rời Tp. HCM lúc 21g30. Lữ Phong đặt vé xe Minh Nghĩa chuyến muộn nhất trong ngày, với dự tính sẽ ra đến Liên Hương lúc khoảng 3g sáng, sẽ tranh thủ được nguyên 1 ngày trước khi phải giải quyết công việc.
Tuy nhiên đến bước đặt chỗ nghỉ ở Phước Thể thì y bị tắc. Trước đó đã được vị bằng hữu người Chăm (ở làng Chăm khu vực tháp Po Dam) chỉ điểm rằng, cả Phước Thể hiện chỉ có một cái khách sạn mà thôi, đến bến xe Tuy Phong, cứ nói đến khách sạn ở Phước Thể là tài xế xe trung chuyển họ sẽ chở qua “không trật phát nào”. Nhưng đến lúc tìm đặt khách sạn thì không thể tìm ra, bởi bác Guc cũng bó tay, lên Google Maps cũng không tìm thấy khách sạn nào “cạnh chợ Phước Thể” – như được hướng dẫn. Liên hệ lại thì vị bằng hữu nọ cũng đáp: em chỉ nhớ nó nằm tại đó, chứ tên là gì, số điện thoại ra sao thì … không biết, vì chỉ thỉnh thoảng đi qua chứ có bao giờ nghĩ đến việc vào đó ở.
Khách sạn Bảo Linh – khách sạn duy nhất ở Phước Thể - nhìn từ chợ
Vậy là kệ, vé xe đã đặt rồi thì cứ đi thôi. Quả nhiên lúc 3g sáng, khi nói muốn đến khách sạn bên Phước Thể, bác tài xế xe trung chuyển chẳng hỏi thêm câu nào, lẳng lặng chở khách đến đúng cửa khách sạn. Lữ Phong thấy khuya khoắt, lại chưa đặt trước nên cũng không muốn làm phiền gọi cửa khách sạn, tính kiếm chỗ có đèn sáng hoặc quán café mở sớm nào đó ngồi tạm đến sáng, tuy nhiên bác tài xế gạt đi ngay, bảo: “ở đây chẳng có ai thức hay mở cửa giờ này đâu. Nếu chưa đặt chỗ, tôi đưa trở lại Liên Hương ngồi café cho an toàn, bên đó thì 3g là có quán café mở cửa rồi”. Vậy là lại quay lại Liên Hương café, mà có café thật. Rồi 6g sáng bắt xe ôm sang Phước Thể thuê khách sạn, ăn sáng và bắt đầu cuốc bộ vòng quanh xã biển.
“Cảng” cá Phước Thể đầy màu sắc
Xã Phước Thể nằm kề bên thị trấn Liên Hương, ngăn cách bởi con sông Đại Hòa (đoạn hạ lưu của sông Lòng Sông). Khu vực trung tâm xã Phước Thể tập trung quanh chợ, trường học, với các con đường nhỏ chẳng có bảng tên. Tra bản đồ thấy con đường phía trước khách sạn dẫn thẳng ra biển, nên Lữ Phong thong thả cuốc bộ đi luôn.
“Đường” chính dẫn ra biển ở Phước Thể - du lịch Tuy Phong
Bờ biển ở Phước Thể được xây kè bê tông thoai thoải, con đường ôm bờ biển cũng nhỏ hẹp, và được làm bằng bê tông. Từ con đường “chính” kéo từ QL1 qua UBND xã Phước Thể ra tới thẳng bờ biển, Lữ Phong gặp ngay một bãi đá cuội nhỏ chờm ra biển, trên bãi đá có một số người dân đang ngồi cạy, đục gì đó.
Nghĩ là họ đang đục hàu – giống như ở bãi đá lối ra đảo Hòn Bà ở Vũng Tàu – Lữ Phong bèn lại gần xem, thì nhận ra không phải như vậy. Họ lật những viên cuội lên, rồi móc móc lớp cát ướt và moi lên một loại hải sản mà y chưa nhận ra (bởi chúng lấm lem cát). Hỏi ra mới biết đó là con chem chép. Công việc này có vẻ đỡ vất vả hơn đục hàu ở Hòn Bà, Vũng Tàu.
“Chợ cá” Phước Thể chếch phía Bắc, nhìn từ bãi đá cuội
Từ bãi đá cuội ấy, nhìn về phía Cà Ná (chếch Bắc) có một địa điểm – mà Lữ Phong không biết gọi là gì cho đúng, bởi tàu bè đậu rất đông đúc, nhưng lại không có bất cứ cái cầu cảng nào, dù bé – đành gọi tạm là “chợ cá” Phước Thể. Tàu cá đậu san sát sau một đêm đi biển trở về, các thuyền thúng ra vào như con thoi từ tàu cá vào bờ, đưa lên những giỏ nhựa đầy ắp cá.
Điều đặc biệt là ở bãi tập kết cá từ tàu lên, các thùng nhựa chứa cá rất nhiều màu sắc: xanh, đỏ, vàng, … xếp thành từng khu nhỏ, nhìn rất bắt mắt. Cánh đàn ông kĩu kịt quẩy những giỏ cá vượt qua bờ kè tập kết tại đường ven biển, cánh phụ nữ vừa lo sắp xếp vị trí các giỏ cá tại bãi tập kết, vừa chia nhau mang những chiếc giỏ nhựa đã xả hết cá, đem xuống biển để vệ sinh. Tiếng người huyên náo một góc bờ biển trong nắng sớm, những chiếc xe tải, xe ba bánh kìn kìn nối nhau chạy vào “chợ cá” để xếp hàng lên xe, rồi lại ì ạch phun khói quay trở ra phía trung tâm xã.
Cánh đàn ông gánh cá lên bãi tập kết
Nhà cửa của ngư dân nơi đây rất đơn giản, xây gạch tương đối thấp và nhìn ra biển, những sạp phơi cá khô xen lẫn với các dãy sào phơi quần áo, thỉnh thoảng có một vài chiếc ghế hóng mát bằng bê tông đúc, cũng đặt quay ra biển.
Sau khi mải mê ngắm khu chợ cá đầy màu sắc, Lữ Phong quay lại bãi đá cuội khi nãy và đi ngược bờ biển về phía Liên Hương (chếch phía Nam), thì thấy bờ biển phía này có nhiều bãi cát bên ngoài con đường kè ven biển, ở đó dựng nhiều chiếc xích đu đơn giản nhưng nhiều màu sắc, mấy đứa trẻ đen nhẻm đang chơi xích đu, khi thấy ống kính chĩa lại, đứa thì núp mặt đi, đứa thì hớn hở tươi cười, sẵn sàng … lên sóng.
Chùa Cổ Thạch và bãi đá bảy màu
Ngôi chùa cổ kính hòa mình với đá núi
Khu du lịch Cổ Thạch cách thị trấn Liên Hương khoảng 7km về phía Nam, nhưng từ Phước Thể đến Cổ Thạch, Lữ Phong (đi nhờ được xe máy của ông chủ khách sạn có việc ở Cổ Thạch) phải trở ra QL1, rồi vòng vào Liên Hương để đi Cổ Thạch, khoảng 12km.
Chùa Cổ Thạch là ngôi chùa cổ, được hình thành từ nửa đầu thế kỷ XIX, ban đầu chỉ là một am tu nhỏ của thiền sư Bảo Tạng, rồi dần dần được trùng tu, xây dựng thêm các công trình để thành một quần thể các công trình như ngày nay, trong đó có nhiều công trình nằm lọt trong các hang đá hoặc giữa các khối đá tự nhiên – bởi vậy chùa Cố Thạch còn có tên là chùa Hang.
Cặp rồng và voi, hổ chầu hai bên lối lên chính điện, chính điện nép bên đá núi
Tại chùa Cổ Thạch hiện còn lưu giữ được một số cổ vật rất có giá trị, như quả chuông đồng lớn (Đại hồng chung) hoặc chiếc trống lớn, đều có niên đại từ giữa thế kỷ XIX, trong khuôn viên chùa còn có những mộ tháp của các vị cao tăng, được xây cất trang trọng và trang trí rất công phu, sống động.
Bảo tháp của Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng – vị tổ khai sơn chùa Cổ Thạch
Tháp bia vị Thủ tự thứ nhất (trên) cùng bảo tháp một số vị trụ trì
Hoang sơ bãi đá cuội bảy màu
Bãi đá cuội bảy màu chỉ cách chùa Cổ Thạch khoảng 1km, nên bất chấp nắng chiều, Lữ Phong sẵn sàng cuốc bộ theo hướng dẫn của Google Maps để tham quan. Đường cũng chẳng có gì phức tạp, điểm cuối của con đường là một nhà nghỉ ngay bãi đá bảy màu – nhà nghỉ Minh Thư – nhưng theo chế độ “đi bộ” thì Google Maps chỉ một đường mòn “né” nhà nghỉ Minh Thư băng qua trảng cát để xuống bãi đá.
Bãi đá Cổ Thạch dài khoảng 1km, rộng vài chục mét trải theo bờ biển cong cong, phía Bắc có bãi đá Bà Khòm và bãi Kỳ Thạch xa xa, phía Nam có thể nhìn xuống tới khu vực mũi La Gàn
Bãi đá Bà Khòm, Kỳ Thạch (trái) và phía mũi La Gàn (phải)
Gọi là bãi đá 7 màu, nhưng thực chất những viên đá cuội bóng láng ở đây có đủ màu sắc xanh, đen, hồng, đỏ, tím, xám, vàng, tím, … rất bắt mắt. Bãi đá Bà Khòm bên cạnh, vào tầm tháng 3, các tảng đá lớn được phủ một lớp rêu xanh tuyệt đẹp nữa. Thỉnh thoảng một con sóng lớn phủ lên tới bãi đá, khiến những viên đá nhỏ lấp lánh nước dưới ánh nắng, tuyệt đẹp.
Một dải bờ biển Tuy Phong còn rất hoang sơ, và cũng vô cùng hấp dẫn. Rất đáng đến, để khám phá, hòa mình vào thiên nhiên, ngắm nhìn những hoạt động bình dị của người dân nơi đây, các bạn ạ.
----------------------------------------